Trong bài viết Yoga là gì? Hiểu đúng về Yoga (Anh Chị chưa đọc thì hãy dừng lại và đọc bài viết này đã nhé), tôi đã giới thiệu với các bạn có 4 con đường Yoga cổ điển ta có thể thực hành để đạt được trạng thái Yoga. Tùy thuộc vào tính cách, điều kiện của mỗi người mà lựa chọn một con đường chính phù hợp để thực hành. Bởi vì cuối cùng nó cũng sẽ dẫn ta tới đỉnh núi của Yoga là sự hợp nhất. Giống như chúng ta muốn đi từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội thì có rất nhiều phương tiện, rất nhiều con đường chúng ta có thể đi. Tùy theo điều kiện, mỗi người sẽ chọn một con đường. Và trên những con đường đó chúng ta sẽ gặp những người khác, cảnh khác, học những bài học khác và chịu những sự thử thách khác nhưng cuối cùng chúng ta cũng sẽ đi được đến đích nếu chúng ta không bỏ cuộc. Yoga cũng vậy, có bốn con đường Yoga cổ điển, bài viết này sẽ lần lượt giới thiệu khái quát từng con đường để cùng với bài viết Yoga là gì? Hiểu đúng về Yoga bạn có thể hình dung bức tranh tổng thể của Yoga nhé.
Nếu bạn muốn xem video hơn thì vui lòng bấm vào đây, còn bạn muốn đọc hơn thì mời bạn cuộn xuống dưới nhé!
Con đường Yoga cổ điển thứ nhất trong 4 con đường Yoga cổ điển có tên là Bhakti Yoga. Bhakti Yoga là con đường chuyển hóa cảm xúc thành tình yêu thương thanh khiết. Đây là con đường dài nhất nhưng mà cũng dễ dàng nhất bởi vì ai cũng có thể thực hành được. Phương pháp chính của con đường này là cầu nguyện, ca hát và thờ phượng Đấng Tối Cao. Mọi cảm xúc đau đớn, sợ hãi, giận hờn, buồn vui đều được chuyển hóa thành tình yêu vô điều kiện dành cho người, dành cho Đấng Tối Cao mà họ thờ phượng. Con đường Yoga này là con đường Yoga của trái tim. Hầu như tất cả chúng ta ai cũng đều có những cảm xúc, đến 95% các quyết định trong cuộc đời của chúng ta đều dựa vào cảm xúc. Vì vậy, đây là con đường thích hợp cho những người thiên về cảm xúc nhưng cũng hầu như thích hợp cho tất cả mọi người.
Con đường Yoga cổ điển thứ hai trong 4 con đường Yoga cổ điển là con đường Raja Yoga. Raja Yoga có nghĩa là hoàng gia. Con đường huấn luyện kiểm soát thân thể, hơi thở và tâm trí. Con đường này gồm 8 nhánh, bao gồm 1) Yama (những điều không nên làm gồm Ahimsa – không bạo lực, Satya – Không gian dối trong suy nghĩ, lời nói và hành động, Asteya – Không trộm cắp, Brahmacharya – Kiểm soát năng lượng tình dục và Aparigraha – Không tích trữ, nhận biếu xén); 2)Niyama (những điều nên làm gồm Saucha – Sự sạch sẽ của cơ thể và môi trường, Santosha – sự hài lòng, biết đủ, Tapas – sống thanh đạm, giản dị, Svadhyaya – nghiên cứu kiến thức từ kinh sách và Isvara Pranidhana – buông bỏ cái tôi ích kỉ); 3) Asana (các tư thế); 4) Pranayama (kiểm soát năng lượng sống, phổ biến là những bài tập hít thở); 5) Pratyahara (thu rút các giác quan vào bên trong); 6) Dharana (sự tập trung); 7) Dhyana (Thiền định) và 8) Samadi (Trạng thái siêu ý thức). Đây là con đường được phương Tây và Việt Nam lựa chọn để thực hành rất nhiều. Con đường Yoga cổ điển này phù hợp cho những người thích sự khoa học, thích có thể nhìn được kết quả sớm hơn. Khi chúng ta mệt mỏi, chúng ta bước vào một lớp học Hatha Yoga thì khi trở ra chúng ta sẽ thấy cơ thể tươi mới, tâm trí nhẹ bẫng. Raja Yoga phù hợp cho tất cả mọi người, ai còn hơi thở và tâm trí thì đều có thể thực hành.
Con đường thứ ba trong 4 con đường Yoga cổ điển là Kama Yoga. Karma tiếng Phạn có nghĩa là nghiệp. Karma Yoga thì lại có nghĩa là sự phục vụ vô vị lợi của ta đối với người khác. Vậy vô vị lợi là như thế nào? nghĩa là chúng ta cứ làm việc cho người, phục vụ người với tình yêu thương, với sự chú tâm một trăm phần trăm nhưng chúng ta không màng đến kết quả, không màng đến việc ta có được ca ngợi hay không? có được vinh danh hay không? có được ghi nhận hay không? Chúng ta làm hết khả năng của mình với sự chú tâm và dâng những thành quả của hành động cho Ý thức Tối Cao. Làm xong là thôi, là dừng. Chúng ta cũng không cố tìm ra việc để làm. Con đường này phù hợp với những người có tính hướng ngoại, thích sự vận động. Đây là con đường của đôi bàn tay. Càng thực hiện Karma Yoga thì cái tôi của ta càng ngày càng được làm nhỏ lại, và cái tôi mà càng nhỏ lại thì càng ngày mình càng gần hơn với bản chất thật sự của mình. Thì đó mới là Karma Yoga. Chúng ta có thể thực hành Karma Yoga khi làm bất kỳ việc gì trong cuộc sống hàng ngày.
Con đường thứ tư trong 4 con đường Yoga cổ điển là con đường Jnana Yoga. Đây là con đường của triết lý, của kiến thức, của sự thông thái, ngắn nhất nhưng khó khăn nhất. Con đường này phù hợp với những người thích sự logic, thích tìm hiểu kinh sách bởi vì tất cả những kiến thức và những sự thông thái này đều được tìm ở trong kinh sách và từ lời dạy của những người Thầy. Người thực hành Jnana Yoga, phải có rất nhiều sức mạnh của ý chí và trí tuệ, dùng trí tuệ suy ngẫm về những triết lý, những lời dạy của những người thầy của mình và phải tự vấn bản thân những câu hỏi như là tôi là ai? tôi đến cuộc đời mình để làm gì? rồi sau khi tôi chết đi tôi sẽ đi về đâu? và hành trình tiếp theo của tôi sẽ làm như thế nào? để gỡ bỏ đi những tấm màn của sự u mê và ảo tưởng. Khi thực hành Jnana Yoga, ta phải phối hợp với những con đường khác bởi nếu không có sự bất vụ lợi nhờ thực hành Karma Yoga, nếu thiếu đi tình yêu thương thanh khiết nhờ thực hành Bhakti Yoga và sự mạnh mẽ của cơ thể và tâm trí nhờ thực hành Raja Yoga thì cuộc truy tìm sự giác ngộ về Bãn Ngã có thể chỉ là sự suy đoán mà thôi.
Vậy thì, 4 con đường Yoga cổ điển này mặc dù phương pháp khác nhau, sự khó khăn và dễ dàng khác nhau nhưng mà sẽ cùng dẫn chúng ta đến trạng thái cuối cùng là trạng thái hợp nhất giữa linh hồn cá thể của mình với lại linh hồn của Vũ trụ. Con đường Yoga mà tôi đang thực hành và giảng dạy là con đường tổng hợp, chọn ra những điều tốt nhất, hay nhất trong bốn con đường này để phối hợp thực hành gọi là Sivananda Yoga, bởi vì sao? Chúng ta có trái tim, có cảm xúc, có thân thể, có hơi thở, có tâm trí, có trí tuệ, vậy thì, chúng ta cần phải thực hành tất cả những khía cạnh đó trong cuộc sống của chúng ta để có sự phát triển một cách toàn diện, đồng bộ.
Từ giờ trở đi nếu chúng ta thấy một ai đó không trải thảm ra để tập Yoga thì chúng ta cũng đừng nói rằng họ không tập Yoga bởi vì biết đâu họ đang thực hành Bhakti Yoga, biết đâu họ đang thực hành Karma Yoga hay là Jnana Yoga. Có tới 4 con đường Yoga cổ điển để họ có thể thực hành. Asana mà chúng ta đang thực tập hàng ngày chỉ là một phần rất nhỏ trong con đường Raja Yoga mà thôi.
Vậy chúng ta thực hành 4 con đường Yoga cổ điển này như thế nào để được những lợi ích tốt nhất mà không bị lạc đường? Xin lưu ý với các Anh Chị là những vị Chân Sư, những vị Yogi, ngày xưa ở trong một môi trường hoàn toàn khác với chúng ta ở trong đời sống hiện tại này. Vì vậy, chúng ta phải biết cách áp dụng những điều gì đã thực hành từ thời xưa mà lại tốt và phù hợp ở trong cuộc sống hiện đại ngày nay để chúng ta đạt được những lợi ích tốt nhất và đúng đắn nhất, câu trả lời sẽ có ở các bài viết tiếp theo.
Xin chào và hẹn gặp lại!