Trong cuộc sống chúng ta luôn đối mặt với những điều không như ý mà ta hay gọi là những nghịch cảnh. Những khó khăn xuất hiện như là một bài kiểm tra mà Vũ trụ muốn gửi đến chúng ta để kiểm tra xem chúng ta đã học được những gì trong cuộc sống này giống như cách các bạn học sinh, sinh viên học rồi làm bài thi để lên lớp vậy. Nếu cuộc sống toàn màu hồng chúng ta sẽ chẳng học được gì, chỉ trong gian khó mới tôi luyện ý chí ta, khiến ta ngày càng vững vàng trong cuộc sống. Vì bản chất cuộc sống trên trái đất này là một ngôi trường rộng lớn và ta đến đây để học, học hết bài học này đến bài học kia cho đến khi chúng ta ra đi.
Có một cô gái phàn nàn với cha mình rằng cuộc sống của cô gặp toàn những khó khăn, thất bại. Cô cũng đã cố gắng nhưng các vấn đề cứ liên tiếp xuất hiện, cô không biết phải ứng phó với cuộc sống thế nào và cảm thấy rất thất vọng về bản thân mình. Vốn là một đầu bếp, cha cô dẫn cô vào bếp, ông bắc lên bếp 3 nồi nước và bật lửa. Chờ cho nước sôi, ông lần lượt bỏ vào nồi thứ nhất một ít cà rốt, nồi thứ hai vài quả trứng gà, nồi thứ ba là một ít cà phê đã nghiền thành bột. Khi tất cả đã chín ông vớt cà rốt và trứng ra đĩa, rót cà phê ra cốc và bảo con gái sờ thử xem cà rốt đã mềm chưa, tiếp đến là đập và bóc vỏ trứng ra, sau cùng là nếm thử hương vị đậm đặc của cốc cà phê. Cô gái hỏi cha “ý nghĩa của những điều này là gì?”. Người cha từ tốn giải thích rằng cà rốt, trứng và cà phê đều đã trải qua một nghịch cảnh giống như nhau: đều bị đun trong nước sôi nhưng phản ứng của chúng lại không giống nhau. Cà rốt từ cứng trở nên mềm, trứng gà từ mỏng manh, dễ vỡ lại trở nên cứng còn bột cà phê thì lại cho ta một thứ thức uống tuyệt vời. Người cha bèn hỏi con gái: “vậy con là thứ nào? khi nghịch cảnh tìm đến con, con nên phản ứng như thế nào? con sẽ là cà rốt, trứng gà hay cà phê?”
Nghịch cảnh, khó khăn sẽ vẫn như vậy, ta không kiểm soát được việc nó có xảy ra hay không nhưng ta 100% kiểm soát được thái độ của ta đối với nghịch cảnh. Thái độ ấy sẽ quyết định hướng đi của cuộc đời ta, tạo nên cái gọi là số phận ta. Có người nỗ lực đấu tranh, cố gắng dù khó khăn đến đâu cũng không nản lòng vươn lên đến cùng, cũng có người sau một hồi tranh đấu thì nản lòng buông tay, và cũng có người chỉ phàn nàn, kêu ca, oán trách, đổ cho số phận đen đủi mặc cho những khó khăn vùi dập…
Vậy điều gì quyết định thái độ của chúng ta? Đó chính là suy nghĩ. Nếu ta suy nghĩ tiêu cực thì tinh thần ta sẽ trở nên mệt mỏi, hoang mang, bồn chồn, lo lắng, thiếu minh mẫn, sáng suốt, nó sẽ khiến chúng ta có những quyết định sai lầm dẫn đến hành động thoái lui, chạy trốn, chối bỏ. Tôi có nhớ một câu nói thế này: Nếu một người từ trong tận đáy lòng luôn cảm thấy sợ hãi, sợ găp khó khăn, sợ không thành công, thì người đó vĩnh viễn không thể làm nên chuyện lớn được” nghĩa là khi trong đầu ta luôn có những ý nghĩ “không làm được”, “không thể được”… (và nó thường là xu hướng giải quyết vấn đề của tâm trí của phần lớn chúng ta) thì rốt cuộc là ta sẽ chẳng làm được điều gì cho ra hồn cả, bản thân ta sống một cuộc đời yếu ớt, sợ hãi thậm chí là mất mạng.
Tất cả chúng ta đi đến đích cuối cùng bằng những con đường khác nhau. Đối với một số người, con đường này gập ghềnh hơn so với những người khác. Nhưng không ai đi đến tận cùng mà không phải đối mặt với một số nghịch cảnh. Những người duy nhất không gặp vấn đề và nghịch cảnh là những người đã chết. Sống là phải đối mặt với nhiều vấn đề, với những nỗi đau. Chúng chính là phương tiện để ta học hỏi suốt đời và trưởng thành. Chúng là một phần của trải nghiệm làm người. Vậy thì, thay vì chiến đấu với nó, chối bỏ nó, tại sao không chấp nhận nó như một mặt của cuộc sống? Tại sao không tách mình ra khỏi kết quả và chỉ đơn giản trải nghiệm mọi tình huống đi vào cuộc sống của bạn một cách trọn vẹn nhất? Cảm nhận nỗi đau và tận hưởng hạnh phúc. Nếu bạn chưa bao giờ đến thăm các thung lũng, tầm nhìn từ đỉnh núi sẽ không ngoạn mục được như vậy.
Nghịch cảnh có xu hướng làm cho chúng ta trở nên triết lý hơn. Trong thời gian thử thách, chúng ta bắt đầu tự hỏi mình những câu hỏi lớn hơn về cuộc sống, chẳng hạn như tại sao lại có đau khổ, tại sao những kế hoạch tốt nhất của chúng ta không diễn ra như ta mong đợi, ta là ai, cuộc sống là gì … và cuộc sống suy cho cùng cũng chỉ là những sự lựa chọn.
Để kết lại chủ đề này, tôi xin trích dẫn lời nói của ông Lý Gia Thành như thế này: Con người ta chỉ khi đối diện và chịu đựng những nỗi thống khổ trong nghịch cảnh thì cơ hội thành công mới được biểu hiện ra bên ngoài. Nếu bạn muốn thành công, muốn biến giấc mơ của mình thành hiện thực thì bắt buộc phải loại bỏ tâm trạng tiêu cực – thứ có thể giết chết tiềm năng và đạp đổ hy vọng của bạn”.
Xin chúc tất cả chúng ta luôn có suy nghĩ tích cực, đối diện và mạnh mẽ vượt qua những nghịch cảnh trong cuộc sống!